Khởi đầu sự nghiệp “đừng quên ước mơ”

Dù hàng triệu người trẻ trên toàn cầu đang tìm việc mà không mấy hy vọng, rất nhiều người khác đánh bại được xu hướng thất nghiệp lan tràn, đặt bước đầu tiên vào con đường sự nghiệp.

Đây là những câu chuyện về may mắn, nghị lực, về thực tế, và cả tranh đấu để có được việc làm đầu tiên.

Bruno Menzan đang là tư vấn viên về quyền con người ở Tây Phi

“Đừng nản lòng vì thất bại, và hãy tiếp tục cố gắng”

Tôi từng dự khoảng 10 cuộc phỏng vấn trong số rất nhiều vị trí tôi gửi đơn xin việc.

Nhưng tôi nghĩ, việc bị trượt vào vòng tiếp theo khiến bạn đặt câu hỏi về khả năng và kỹ năng của mình.

Tôi cũng gặp nhiều trở ngại lắm.



Quê hương tôi – Bờ biển Ngà – lúc đó vẫn đang trong cuộc nội chiến và nhiều khi tôi thực hiện phỏng vấn công việc qua Skype với tiếng bom nổ ngay phía sau.

Ưu tiên của tôi là tìm được việc tốt trong khi vẫn có thể chăm sóc con gái. Với tôi, đây là vấn đề sống còn.

Đừng chỉ tìm những việc có trả lương – tình nguyện hay đi thực tập để có cơ hội thâm nhập môi trường chuyên nghiệp. Từ đó biết cách cấu trúc bản sơ yếu kinh nghiệm làm việc, để nêu bật được thành tích và tài năng của mình.

Đừng nản lòng nếu có thất bại, và hãy tiếp tục cố gắng. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại của mình.

Ngọc Nguyễn, 22 tuổi, trợ lý thương mại, Sài Gòn, Việt Nam

“Nắm lấy từng cơ hội và dám bước ra khỏi vùng “chăn ấm đệm êm” của mình”



Tôi đang là trợ lý thương mại tại một công ty nội thất – bắt đầu từ mấy tháng nay.

Trước đây chị gái tôi cũng làm ở công ty này nhưng sau đó xin nghỉ việc, và chị nói với tôi về chỗ làm trống.

Chị cũng gửi giúp bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc của tôi tới ban nhân sự.

Trong cuộc phỏng vấn, người phụ trách công ty rất ấn tượng với kỹ năng tiếng Anh của tôi, nên cơ hội này một phần là do may mắn, một phần là nhờ tài năng.

Hồi ở đại học tôi học khoa kinh doanh xuất nhập khẩu, nhưng thực ra bây giờ tôi không dùng mấy đến chuyên môn này.

Tôi thích công việc của mình vì đôi khi tôi có cơ hội được gặp khách hàng mới, học cách giao dịch với họ, giải quyết các vấn đề và thực hiện mọi việc tốt nhất có thể.

Nhưng tôi vẫn đang học thêm vì muốn biết nhiều hơn nữa về thương mại quốc tế.

Có lẽ lời khuyên của tôi là nắm lấy bất kỳ cơ hội nào và dám bước ra khỏi vùng ‘chăn ấm đệm êm’ của mình.

Emilie Prattico, 29 tuổi, tư vấn kinh doanh, Paris, Pháp

“Tìm chiến lược riêng chứng tỏ được bạn là người thật thú vị và có nền tảng kiến thức khác biệt”

Sau thời gian dài ở học viện cho dự án tiến sỹ tâm lý học và giảng dạy, tôi đổi hướng 180 độ và xin vào chương trình thạc sỹ một năm ở trường chuyên về kinh doanh của Pháp.

Thay đổi này hóa ra lại rất quan trọng vì giờ đây tôi bắt đầu làm việc trong công ty chuyên tư vấn về quản lý và chiến lược.

Nhưng cũng phải mất mấy tháng tôi mới có được buổi phỏng vấn đầu tiên.

Tôi dành thời gian gặp gỡ những người làm trong lĩnh vực này, bạn của bạn bè mình, hoặc những người cùng học trong mấy trường đại học quốc tế tôi từng theo học.

Nhờ thế mà tôi thấy thoải mái hơn khi tham gia khâu thi tuyển và phỏng vấn phức tạp, gay go.

Lời khuyên của tôi là tìm ra chiến lược riêng chứng tỏ được bạn là người thật thú vị và có nền tảng kiến thức khác biệt.

Farah Syahirah, 26 tuổi, nhà phân tích kinh tế, Malaysia

“Việc làm đầu tiên bạn tìm được biết đâu lại là viên đá rải đường đến với công việc mơ ước của mình.”



Sau khi tốt nghiệp ở Anh, tôi những mong được làm việc trong ngành ngoại giao và quan hệ quốc tế, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng mình chẳng biết phải làm thế nào để thâm nhập được môi trường này ở Malaysia.

Tôi vẫn mong được làm việc trong ngành ngoại giao nhưng tôi đi đến quyết định rằng, khó ai có được việc làm đầu tiên lại đúng như mơ ước.

Công việc hiện nay dạy tôi cách tìm ra và phân tích xu hướng kinh tế, nên tôi hy vọng những kỹ năng này sẽ giúp tôi trong tương lai.

Lời khuyên của tôi cho những ai vẫn đang tìm việc: đôi khi bạn cần ổn định công việc, nhưng đừng bao giờ quên đi giấc mơ của mình.

Việc làm đầu tiên bạn tìm được biết đâu lại là viên đá rải đường đến với công việc mơ ước của mình. Niềm hy vọng này chính là điều khiến tôi thức dậy vào mỗi sáng để làm việc.

Kristin Cornett, 23 tuổi, chuyên phân tích mạng xã hội, Virginia, Hoa Kỳ

“Cứ bướng bỉnh, quyết tâm, và làm tới cùng”



Sau khi tốt nghiệp, tôi dành chín tháng làm phục vụ bàn cho tới khi có được cơ hội thực tập bán thời gian, nhờ có mối quen của một người trong gia đình.

Tôi từ bỏ mọi kế hoạch trước đó để chớp lấy cơ hội này.

Tôi đã gửi đơn xin làm tới khắp nơi trên thế giới và nói tôi sẵn sàng di chuyển tới bất cứ nơi đâu.

Rất nhiều công ty chẳng bao giờ trả lời mặc cho núi email và cuộc gọi của tôi liên tục gửi tới.

Nhưng bây giờ tôi làm việc trong một nhóm nhỏ gồm nhiều nhà phân tích chuyên về mạng xã hội, tập trung vào khu vực Tây Phi.

Tính kiên gan là chìa khóa. Cứ bướng bỉnh, quyết tâm, và làm tới cùng. Xin cả vào những vị trí mà có thể chưa phải là mối quan tâm lớn nhất của bạn.

Là người trẻ đi tìm việc, bạn có đầy tiềm năng, đừng đánh mất mình trong một bể những lời thiếu thiện chí!

Tom Gibby, 23 tuổi, luật sư tập sự, Nottingham, Anh

“Tinh thần tình nguyện là tối quan trọng vì nó cho thấy bạn để tâm đến nhiều điều khác hơn chỉ nghĩ tới bản thân”

Công việc đầu tiên với vai trò luật sư tập sự là thách thức lớn nhất tôi từng gặp.

Qua quá trình này, tôi dần trở nên mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn, và đã học những kỹ năng sống còn để sống sót trong cả môi trường công việc và môi trường kinh tế thế giới.

Để vượt qua đường đua, tôi cho thấy quyết tâm của mình với nghề pháp lý bằng công việc của mình, không tiền lương và tự trả cho chi phí hàng ngày, ở chín công ty luật khác nhau trong mỗi kỳ nghỉ.

Tôi thấy mình cần kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng lãnh đạo, nên tôi đã học hỏi trong khi tham gia các hoạt động ở trường đại học, và kinh nghiệm làm việc ở siêu thị rồi nhà hàng địa phương.

Tinh thần tình nguyện là tối quan trọng vì nó cho thấy bạn quan tâm đến nhiều điều khác hơn là chỉ nghĩ tới bản thân.

Một điều rất cần nữa là nhạy bén về thông tin trong ngành, khá đơn giản để có được điều này vì thông tin trên mạng và trên truyền hình đầy rẫy.

Ghi lại các điểm quan trọng, những vấn đề giúp bạn hình thành ý kiến riêng của mình để ăn điểm trong khi phỏng vấn.

Bahruz Naghiyev, 25 tuổi, kiểm soát ngân quỹ, Baku, Azerbaijan

“Sẵn sàng chấp nhận thách thức mới và cả rủi ro để bạn có thể khám phá xem sức của mình thực sự đến đâu”



Tôi bắt đầu làm việc khi còn đang học ở Mỹ.

Không may là mọi việc không đúng như tôi lên kế hoạch.

Do khủng hoảng kinh tế, các công ty đầu tư bắt đầu ít tuyển người nước ngoài hẳn đi, nên cơ hội của tôi rất gần với con số 0.

Tôi quyết định quay về Azerbaijan và trải qua vài cuộc kiểm tra với phỏng vấn trước khi có được công việc toàn thời gian đầu tiên ở ngân hàng Pasha với vị trí kiểm soát ngân quỹ.

Tôi tin là thành tựu không đến bằng sức mạnh mà bằng tính bền bỉ. Đức tính chung của những người thành công nhất thường là bền bỉ, kiên gan và quyết tâm.

Chìa khóa của thành công là khả năng phát triển những đức tính này, duy trì đam mê của mình và dám chấp nhận rủi ro khi cần thiết.

Nếu bạn muốn có được công việc mình mơ ước, bạn cần không ngừng cải thiện bản thân, sẵn sàng chấp nhận thách thức mới và cả rủi ro để khám phá xem sức của mình thực sự tới đâu.

Gebe George, 27 tuổi, chuyên gia marketing, Manama, Bahrain

“Học tiếp ngay cả khi bạn vẫn đang đi làm”



Tôi là người Ấn Độ học ở Bahrain và hoàn thành thạc sỹ ở Australia.

Hiện tôi là chuyên gia marketing cho công ty Techno Blue, đại diện cho Samsung ở Bahrain.

Tôi từng thất nghiệp tới chín tháng liền và khi bắt đầu từ bỏ hy vọng, quay về Ấn Độ thì nhận được cuộc hẹn phỏng vấn từ một công ty cho vị trí hậu cần.

Tôi tới phỏng vấn nhưng nhà quản lý chính từ chối tuyển tôi vào vị trí này.

Ông ta nói ông không thể chịu được khi thấy người như tôi lại phải dính với bàn giấy, và cho tôi làm vị trí marketing.

Ông ấy biết tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và hứa sẽ giúp đỡ cũng như hướng dẫn hết mức có thể.

Dù tôi biết tìm được việc tốt ở Bahrain cực khó tôi vẫn không để mất hy vọng.

Bahrain đã là nhà tôi, và tuy tôi không mang quốc tịch Bahraini, tôi vẫn yêu hòn đảo bé nhỏ đầy đam mê này.

Bahrain từng trải qua cả năm gian khổ với biểu tình hàng loạt trong đợt “cách mạng” Trung Đông.

Thương mại xuống dốc, các cơ sở kinh doanh đóng cửa ở khắp nơi. Nhưng tôi vẫn bám lấy đất nước này.

Tôi xin khuyên những người đang đi tìm việc hãy tiếp tục học ngay cả khi bạn đang làm việc.

Nguồn: BBC Vietnamese



Đăng nhận xét

0 Nhận xét