Tôi từng nghe câu chuyện về một thầy tu trẻ – một câu chuyện rất hài hước nhưng cũng đầy sâu sắc. Anh ta đến một tu viện, ở đó quy định rằng trong một năm, các thầy tu chỉ được nói hai từ.
Trong năm đầu tiên, anh ta im lặng làm tất cả những việc cần phải làm. Đến cuối năm, vị thầy tu trưởng cho anh ta cơ hội nói hai từ của mình. Và anh ta đã nói: “Giường cứng.”
Năm thứ hai, vẫn là những công việc tương tự, giống như những thầy tu khác. Đến cuối năm, vị thầy tu trưởng lại cho anh ta nói hai từ. “Nấu dở” – anh ta nói.
Một năm nữa trôi qua, mọi thứ xảy ra tương tự như hai năm trước, nhưng lần này thầy tu trẻ nói: “Tôi bỏ.” Vị thầy tu trưởng chỉ đáp lại rằng: “Không có gì ngạc nhiên. Tất cả những gì anh nói chỉ là phàn nàn.”
Phàn nàn có thể trở thành một thói quen. Tập trung vào những điều tiêu cực cũng có thể trở thành một thói quen. Đó là một trong những thói quen tệ hại nhất. Nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội của bạn, hạnh phúc của bạn. Và tất nhiên nó cũng có thể phá hoại thu nhập và cản trở thành công của bạn. Bạn tự hỏi tại sao ư?
Đầu tiên, đó là khi bạn phàn nàn với người khác, có đến 80% trong số đó không thực sự quan tâm, 20% còn lại thậm chí còn cảm thấy vui khi điều đó xảy ra với bạn. Lời phàn nàn của bạn khiến họ cảm thấy cuộc sống của mình tốt đẹp hơn một chút. Còn nữa, việc đóng vai “kẻ tội nghiệp” cũng sẽ giúp bạn có được sự chú ý, đồng cảm của bố mẹ và một số người khác. Nhưng cũng nên biết rằng những người thành công không hề muốn ở gần người như vậy.
Nhưng chúng ta vẫn cần những người thành công ở bên cạnh, để giúp chúng ta thành công hơn, đúng không nào?
Sự thật là không ai muốn ở gần những người hay làm hỏng cuộc vui, đặc biệt là những kẻ hay phàn nàn. Tôi vẫn thường thấy điều đó – có một số người thích những việc chúng tôi làm tại Peak Potentials, muốn hợp tác với chúng tôi… – nhưng cách mà họ tiếp cận tôi lại là phàn nàn về một thứ gì đó. Có thể họ khá nhạy cảm với âm thanh, nhưng họ đã phàn nàn, trong một chương trình của chúng tôi, rằng nhạc quá to.
Họ không thử tiếp cận tôi theo một hướng tích cực hơn, đại loại như, “Có chuyện này tôi nghĩ chúng ta có thể cùng bàn bạc…” hay là “Tôi có một chuyện này, có thể anh sẽ muốn nghe…” Nhưng tôi lại chỉ nghe một lời phàn nàn và ngay lập tức tôi có phản ứng kiểu như “Đi chỗ khác đi anh bạn! Kiếm người khác mà phàn nàn!”
Từ ngữ có sức mạnh rất đáng kể. Chúng là những gì bạn khẳng định với thế giới. Điều bạn phàn nàn sẽ thu hút sự chú ý và tập trung của bạn, và nó càng ngày càng tệ hại hơn, đúng như những gì bạn nghĩ.Vậy nên, cứ tiếp tục phàn nàn đi… hoặc chọn một con đường khác. Bạn phải tự cải thiện bản thân mình, chẳng ai có thể giúp bạn đâu, có thể vì họ cũng đang muốn cố gắng cải thiện mình, bằng cách tránh xa những người như bạn.
Những kẻ đau khổ luôn muốn có người đồng hành, nhưng những người tích cực, hạnh phúc thì không hề quan tâm đến việc gia nhập cái “hội đau khổ” đó.
Có thể bạn nghĩ rằng họ quan tâm, chỉ vì họ hỏi bạn rằng: “Này, mọi chuyện gần đây thế nào?” để bạn có thể bắt đầu chuỗi phàn nàn của mình, kiểu như: “Ôi, không thể tin nổi là… như vậy…. và thế là… và…” Bạn biết ai sẽ quan tâm đến những chuyện như vậy không? Đó chính là những người hay than thân trách phận, không hài lòng với cuộc sống mà bạn đang giao du cùng, không phải những người thành công, cũng không phải những người hạnh phúc.
Có thể rất khó khăn khi phải thay đổi những người mà mình giao thiệp cùng – những người giống bạn, hoặc khi những người thân của bạn tỏ ra tiêu cực. Bạn có cách nào để giữ bản thân luôn hướng vào sự lạc quan trong khi những người xung quanh không ngừng than vãn không? Làm sao để vừa quan tâm, yêu thương, tôn trọng họ, vừa có thể bảo vệ bản thân khỏi những năng lượng tiêu cực đó? Chúng tôi muốn nghe câu chuyện của bạn!
0 Nhận xét