Tương quan giữa lời nói và việc làm là một trong những thang giá trị nhằm thẩm định uy tín, danh dự của cá nhân hoặc tổ chức nào đó. Bởi thực hiện song hành giữa nói và làm là điều không đơn giản, đa phần người ta chỉ nói suông hoặc làm được phần nào những điều đã nói mà thôi.
Đáng chê trách là hạng người nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu, thậm chí là không làm được gì cả. Thuyết phục người khác bằng lời nói là điều khó song chỉ nói hay mà không làm thì chẳng có giá trị, lợi ích nào hết; trái lại còn tổn hại đến uy tín, danh dự trầm trọng. Trong cuộc sống, chữ tín vốn rất quan trọng, đánh mất chữ tín đồng nghĩa với đánh mất tất cả.
Ngược lại với hạng người “nổ” là hạng người không nói mà làm. Rất dễ thương, trầm tĩnh nhưng hạng người này khó thành công vì ít người hiểu và tin vào việc làm của mình, nhất là khi những việc làm ấy mới khởi sự hoặc còn dang dở. Dù sao thì hạng người này vẫn được trân trọng vì đã có làm và có thể làm được.
Thật buồn cho hạng người bàng quan, chẳng quan tâm đến cái gì cả. Không nói cùng chẳng làm thì khác gì dửng dưng, vô trách nhiệm trước những việc cần phải nói, cần phải xắn tay vào cuộc. Cuộc sống quanh ta luôn cần những tác động tích cực, có tính xây dựng dẫu chỉ là một lời nói, hỗ trợ về tinh thần.
Một người có nhân cách, một tổ chức có uy tín bao giờ lời nói cũng đi đôi với việc làm. Làm được những điều đã nói thật không đơn giản nhưng nếu cố gắng, nhiệt tâm thì vẫn thực hiện được. Đối với người học Phật thì nói và làm song hành lại càng cần thiết hơn vì bản chất của giáo pháp giải thoát vốn dĩ “thiết thực và hiện tại”.
Xin nhắc lại, làm được thì hãy nói, đừng hoang tưởng bản thân, đừng "ba hoa chích chòe". Đừng nên "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa". Cứ như vậy thì còn lấy ai tin tưởng?
0 Nhận xét